Nhà thầu thi công một dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định đã gỡ được những vướng mắc về nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam phía Đông nhằm đưa tiến độ dự án về đích đúng hẹn.
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với lĩnh vực giao thông vào sáng 8/6, liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) về vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vật liệu đất, cát, san nền để thực hiện các công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Thắng thừa nhận có việc khó tiếp cận về nguồn vật liệu nhưng không phổ biến, chỉ ở một vài dự án và chỉ trong giai đoạn đầu triển khai.
Cụ thể, khi làm thủ tục để được cấp mỏ, doanh nghiệp phải mất thời gian trong khi dự án vẫn phải làm, nên giai đoạn đầu doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên thị trường, có những nơi đòi giá cao hơn so với giá công bố khiến doanh nghiệp không thể mua vì sẽ không thể hạch toán.
“Theo quy trình của Nghị quyết 43, việc cấp mỏ cũng được các địa phương giải quyết rất nhanh so với thời gian quy định trong Luật Khoáng sản, tuy nhiên vẫn còn địa phương lúng túng trong việc áp dụng Nghị quyết 43,” ông Thắng nói.
Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã vào các địa phương, đặc biệt là khu vực miền Tây như Đồng Tháp, An Giang để giải quyết. Đến nay, vấn đề nguyên vật liệu đã được xử lý.
Đối với cát biển trong xây dựng cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau, ông Thắng thông tin, dự án cần 18 triệu m3 cát, thời gian triển khai 3 năm. Theo quy hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 130 triệu m3 cát tập trung ở 3 tỉnh đó là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. 8 dự án trên khu vực này cần 50 triệu m3 cát. Theo quy hoạch vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho dự án này.
[Phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm dự án cao tốc Bắc-Nam]
Riêng dự án Cần Thơ-Cà Mau, vừa qua, trên cơ sở làm việc với 3 tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo giao cho tỉnh An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh cung cấp 7 triệu m3 cát, Vĩnh Long là 5 triệu m3 cát trong thời gian triển khai dự án. Trong năm đầu tiên, An Giang và Đồng Tháp cung cấp là 3,3 triệu m; Vĩnh Long là 1 triệu m3 cát. Các tỉnh rất ủng hộ và cấp phép đủ và tiếp tục cấp để đảm bảo đủ nguồn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)Đề cập đến ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng có nên làm cầu cạn tại các khu vực này hay không? Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành, khi làm cầu cạn sẽ khiến chi phí tăng gấp 3-3,1 lần. Chưa kể, vẫn phải thực hiện đường gom trong khi nguồn lực có hạn.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu thận trọng vấn đề này, nếu có thể, bộ sẽ trình để thí điểm trong lần sau bởi nếu giờ dừng lại để chờ thí điểm cầu cạn thì nhân dân sẽ lại phải chờ và không biết khi nào mới hoàn thành được dự án,” ông Thắng bày tỏ quan điểm.
Về nghiên cứu cát biển, Bộ trưởng cho biết Chính phủ rất quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt và thống nhất giao việc này cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu. Hiện nay việc thí điểm đã triển khai các bước theo đúng quy chuẩn.
“Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hoá phù hợp với môi trường. Về vấn đề chịu tải của cát biển khi làm vật liệu đắp nền đường hiện vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm nhưng kết quả ban đầu khá là khả quan bởi chỉ riêng Sóc Trăng là 14 tỷ m3 cát biển,” Bộ trưởng Thắng nói./.
Nhóm PV (Vietnam+)